BÀI 2. HỆ QUẢN TRỊ CƠ SỞ DỮ LIỆU



hệ quản trị cơ sở dữ liệu

1. Các chức năng của hệ QTCSDL.

a) Cung cấp môi trường tạo lập CSDL

Một hệ QTCSDL phải cung cấp một môi trường cho người dùng dễ dàng khai báo kiểu dữ liệu, các cấu trúc dữ liệu thể hiện thông tin và các ràng buộc trên dữ liệu. Để thực hiện được chức năng này, mỗi hệ QTCSDL cung cấp cho người dùng một ngôn ngữ định nghĩa dữ liệu.

Ví dụ: 

- Khai báo kiểu dữ liêu: trong Pascal khai báo biến i, j kiểu nguyên. Còn trong hệ QTCSDL Access sẽ khai báo kiểu dữ liệu cho từng cột (trường) như: Họ tên có kiểu là Text, Ngày sinh có kiểu là Date/time, Điểm Toán có kiểu là number...  

- Ràng buộc khi nhập liệu: Điểm của các môn học chỉ thuộc trong khoảng 0-10, Giới tính chỉ có thể là Nam hoặc Nữ, ngày vào Đoàn phải từ 14 tuổi trở lên nhưng không quá 28 tuổi.

b) Cung cấp cách cập nhật và khai thác dữ liệu

Ngôn ngữ để người dùng diễn tả yêu cầu cập nhật hay khai thác thông tin được gọi là ngôn ngữ thao tác dữ liệu.

Thao tác dữ liệu gồm:

- Cập nhật (nhập, sửa, xoá dữ liệu);

- Khai thác (sắp xếp, tìm kiếm, kết xuất báo cáo...).

c) Cung cấp công cụ kiểm soát, điều khiển việc truy cập vào cơ sở dữ liệu

Để góp phần đảm bảo được các yêu cầu cơ bản của một hệ CSDL, hệ QTCSDL phải có các bộ chương trình thực hiện những nhiệm vụ sau:

- Đảm bảo an ninh, phát hiện và ngăn chặn sự truy cập không được phép. 

Ví dụ: Trong hệ thống “ Quản lí điểm đối với học sinh”: chỉ có giáo viên có quyền thay đổi ( bổ sung, xoá bỏ) điểm các môn học, kết quả học tập của học sinh lớp mình. Còn người dùng khác( giáo viên bộ môn, học sinh, phụ huynh…) chỉ được truy cập vào hệ thống chỉ để xem chứ không có quyền thay đổi CSDL trong hệ thống.

- Duy trì tính nhất quán của dữ liệu;

Ví dụ: 

+ Trong “ Quản lí của hàng sách” : Khi nhân viên bán hàng bán được một quyển sách nào đó thì hệ thống phải tự trừ vào số lượng sách tồn  kho là 1 quyển.

+ Khi hai người cùng mua một chiếc vé máy bay nhưng chỉ còn lại một chiếc duy nhất thì chỉ được 1 ngừời mua vé mà thôi. Nếu không có tính nhất quán khi cập nhật dữ liệu có thể cả hai người sẽ mua cùng một chiếc vé.

- Tổ chức và điều khiển các truy cập đồng thời; xem thêm tại đây

- Khôi phục CSDL khi có sự cố ở phần cứng hay phần mềm; 

Ví dụ: Hệ thống phải có cơ chế tự động sao lưu, phục hồi dữ liệu.

- Quản lí các mô tả dữ liệu.

3. Vai trò của con người khi làm việc với hệ cơ sở dữ liệu:

 

a) Người dùng

Là người có nhu cầu khai thác thông tin từ  CSDL thông qua các chương trình ứng dụng đã được viết sẵn.

Người dùng được chia thành từng nhóm, mỗi nhóm có một số quyền hạn nhất định để truy cập và khai thác CSDL

VD: 1. Phụ huynh và học sinh chỉ có thể xem điểm mà không có quyền cập nhật thông tin.

       2. Giáo viên bộ môn chỉ có quyền cập nhật thông tin của bộ môn và lớp mình dạy

Người dùng là tập thể đông đảo nhất những người có quan hệ với CSDL và được chia thành nhiều nhóm.

b) Người lập trình ứng dụng:

Là người có nhiệm vụ xây dựng các chương trình ứng dụng hỗ trợ khai thác thông tin từ CSDL trên cơ sở các công cụ mà hệ quản trị CSDL cung cấp. Đáp ứng nhu cầu khai thác CSDL của các nhóm người dùng.

   Mỗi chương trình sẽ có các câu lệnh yêu cầu hệ QTCSDL thực hiện một số thao tác trên CSDL tuỳ theo nhu cầu cụ thể

c) Người quản trị cơ sở dữ liệu

Là một người hay nhóm người được trao quyền điều hành CSDL.

Nhiệm vụ của người quản trị CSDL:

- Quản lí các tài nguyên của CSDL, hệ QTCSDL, và các phần mềm có liên quan.

- Tổ chức hệ thống: phân quyền truy cập cho người dùng, đảm bảo an ninh cho hệ CSDL. Nâng cấp hệ CSDL: bổ sung, sửa đổi để cải tiến chế độ khai thác, nâng cao hiệu quả sử dụng.

- Bảo trì CSDL: thực hiện các công việc bảo vệ và khôi phục hệ CSDL.

4. Các bước xây dựng cơ sở dữ liệu

Bước 1: Khảo sát

- Tìm hiểu các yêu cầu của công tác quản lí.

-  Xác định và phân tích mối liên hệ các dữ liệu cần lưu trữ.

-  Phân tích các chức năng cần có của hệ thống khai thác thông tin, đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

- Xác định khả năng phần cứng, phần mềm có thể khai thác, sử dụng.

Bước 2: Thiết kế

- Thiết kế CSDL.

-  Lựa chọn hệ quản trị để triển khai.

-  Xây dựng hệ thống chương trình ứng dụng.

Bước 3: Kiểm thử

- Nhập dữ liệu cho CSDL.

- Tiến hành chạy thử các chương trình ứng dụng.

TRẮC NGHIỆM THAM KHẢO


Câu 1: Một hệ quản trị CSDL không có chức năng nào trong các chức năng dưới đây?
A. Cung cấp môi trường tạo lập CSDL
B. Cung cấp môi trường cập nhật và khai thác dữ liệu
C. Cung cấp công cụ quản lí bộ nhớ
D. Cung cấp công cụ kiểm soát, điều khiển truy cập vào CSDL.

Câu 2: Ngôn ngữ định nghĩa dữ liệu thật chất là: A. Ngôn ngữ lập trình Pascal
B. Ngôn ngữ C
C. Các kí hiệu toán học dùng để thực hiện các tính toán
D. Hệ thống các kí hiệu để mô tả CSDL
Câu 3: Ngôn ngữ định nghĩa dữ liệu bao gồm các lệnh cho phép: A. Đảm bảo tính độc lập dữ liệu
B. Khai báo kiểu dữ liệu, cấu trúc dữ liệu và các ràng buộc trên dữ liệu của CSDL
C. Mô tả các đối tượng được lưu trữ trong CSDL
D. Khai báo kiểu dữ liệu của CSDL

Câu 4: Ngôn ngữ thao tác dữ liệu thật chất là:
A. Ngôn ngữ để người dùng diễn tả yêu cầu cập nhật hay khai thác thông tin
B. Ngôn ngữ để người dùng diễn tả yêu cầu cập nhật thông tin
C. Ngôn ngữ SQL
D. Ngôn ngữ bậc cao

Câu 5: Ngôn ngữ thao tác dữ liệu bao gồm các lệnh cho phép:
A. Nhập, sửa, xóa dữ liệu
B. Khai báo kiểu, cấu trúc, các ràng buộc trên dữ liệu của CSDL
C. Khai thác dữ liệu như: tìm kiếm, sắp xếp, kết xuất báo cáo…
D. Câu A và C

Câu 6: Nhóm người nào là tập thể đông đảo nhất những người có quan hệ với CSDL và được chia thành nhiều nhóm?
A. Người dùng
B. Người giám sát.
C. Người quản trị CSDL.
D. Người lập trình ứng dụng.

Câu 7: Những nhiệm vụ nào dưới đây không thuộc nhiệm vụ của công cụ kiểm soát, điều khiển truy cập vào CSDL? A. Duy trì tính nhất quán của CSDL
B. Cập nhật (thêm, sửa, xóa dữ liệu)
C. Khôi phục CSDL khi có sự cố
D. Phát hiện và ngăn chặn sự truy cập không được phép

Câu 8: Hệ QT CSDL có các chương trình thực hiện những nhiệm vụ:
A. Phát hiện và ngăn chặn sự truy cập không được phép, tổ chức và điều khiển các truy cập đồng thời
B. Duy trì tính nhất quán của dữ liệu, quản lý các mô tả dữ liệu
C. Khôi phục CSDL khi có sự cố ở phần cứng hay phần mềm
D. Cả 3 đáp án A, B và C

Câu 9: Khẳng định nào sau đây là đúng?
A. Hệ QT CSDL là một bộ phận của ngôn ngữ CSDL, đóng vai trò chương trình dịch cho ngôn ngữ CSDL
B. Người lập trình ứng dụng không được phép đồng thời là người quản trị hệ thống vì như vậy vi phạm quy tắc an toàn và bảo mật
C. Hệ QT CSDL hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào hệ điều hành
D. Người quản trị CSDL phải hiểu biết sâu sắc và có kĩ năng tốt trong các lĩnh vực CSDL, hệ QT CSDL và môi trường hệ thống

Câu 10: Người nào đã tạo ra các phần mềm ứng dụng đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin từ CSDL?
A. Người dùng
B. Người lập trình ứng dụng
C. Người QT CSDL
D. Cả ba người trên

Câu 11: Người nào có vai trò quan trọng trong vấn đề phân quyền hạn truy cập sử dụng CSDL? A. Người lập trình
B. Người dùng
C. Người quản trị
D. Nguời quản trị CSDL

Câu 12: Trong vai trò của con người khi làm việc với các hệ CSDL, người thiết kế và cấp phát quyền truy cập cơ sở dữ liệu, là người ?
A. Người lập trình ứng dụng
B. Người sử dụng (khách hàng)
C. Người quản trị cơ sở dữ liệu
D. Người bảo hành các thiết bị phần cứng của máy tính

Câu 13: Chức năng của hệ QTCSDL?
A. Cung cấp cách khai báo dữ liệu
B. Cung cấp môi trường tạo lập CSDL và công cụ kiểm soát, điều khiển việc truy cập vào CSDL.
C. Cung cấp cách cập nhật dữ liệu, tìm kiếm và kết xuất thông tin
D. Câu B và C

Câu 14: Quy trình xây dựng CSDL là:
A. Khảo sát -> Thiết kế -> Kiểm thử
B. Khảo sát -> Kiểm thử -> Thiết kế
C. Thiết kế -> Kiểm thử -> Khảo sát
D. Thiết kế -> Khảo sát -> Kiểm thử

Next Post Previous Post
No Comment
Add Comment
comment url